Có thể bạn chưa biết: Ý nghĩa tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ – Foodeli

Có thể bạn chưa biết: Ý nghĩa tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ

Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử nhà nước Việt Nam. Cùng Foodeli tìm hiểu về tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ nhé.

1. Tên gọi Hà Nội có nghĩa là gì?

Cái tên “Hà Nội” bắt đầu có từ năm 1831. Hà Nội dịch nghĩa Hán Việt có nghĩa là “phía trong sông”. Thực tế thời đó, tỉnh Hà Nội được tạo nên bởi bốn phủ gồm: phủ Hoài Đức, phủ Thường Tín, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân. 4 phủ này được 3 con sông bao bọc là sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy.

  • Phủ Hoài Đức gồm 3 huyện hợp lại: Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm. Phủ Hoài Đức vốn là phủ Phụng Thiên (đất đai kinh thành Thăng Long cũ) được vua Gia Long đổi tên mà thành.
  • Phủ Thường Tín gồm 3 huyện hợp lại: Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên.
  • Phủ Ứng Hoà gồm 4 huyện hợp lại: Sơn Minh (nay là Ứng Hòa), Hoài An (nay là phía nam Ứng Hòa và một phần Mỹ Đức), Chương Đức (nay là Chương Mỹ-Thanh Oai).
  • Phủ Lý Nhân gồm 5 huyện hợp lại: Nam Xang (nay là Lý Nhân), Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục.

Tháp Rùa, Hà Nội

tên gọi của Hà Nội

2. Thăng Long, Đại La – Tên gọi khác của Hà Nội

Lịch sử Hà Nội qua các thời kỳ từng ghi nhận nhiều cái tên không chính thức như Long Đỗ, Tống Bình… Song, cái tên chính thức được chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư thì phải kể đến “Thăng Long”.

Thăng Long – tên gọi Hà Nội có nghĩa là gì? Dịch nghĩa theo chữ Hán Việt, Thăng Long nghĩa là “rồng bay lên”. Đây là tên gọi khác của Hà Nội có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất ta từng biết đến. Truyện kể, mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ rời đô từ thành Hoa Lư ra Đại La. Khi dừng thuyền ở dưới thành, nhìn thấy rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự. Từ đó, vua đổi tên thành gọi là Thăng Long (theo “Đại Việt sử ký toàn thư”).

Như vậy, trước khi đổi tên thành Thăng Long, Hà Nội cũng đã từng có tên là Đại La. Theo sử sách, kinh đô gồm “tam trùng thành quách”. Trong cùng, nơi vua và hoàng tộc ở gọi là Tử cấm thành. Ở giữa là Kinh thành, nơi dân sinh sống. Ngoài cùng là Đại La thành. Trong Chiếu dời đô (1010) của vua Lý Thái Tổ cũng có viết: “… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa trời đất…”.

Đến đời vua Gia Long (1802), kinh đô được chuyển từ Thăng Long về Phú Xuân (Huế). Thăng Long được đổi làm trấn thành miền Bắc, do vậy cũng cần đổi tên. Nhưng vì tên Thăng Long được dùng quen với toàn dân, vua thấy không tiện bỏ đi luôn. Do đó, chữ “Long” nghĩa là rồng được đổi thành chữ “Long” nghĩa là thịnh vượng. Thành Thăng Long thời này mang ý nghĩa là “thịnh vượng lên” (theo “Lịch sử thủ đô Hà Nội”, 1960, Trần Huy Liệu chủ biên).

Hoàng thành Thăng Long

tên gọi của Hà Nội

3. Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành – Tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà Hồ (1397) đóng đô ở Tây Đô (Thanh Hóa). Thăng Long vào thời kỳ đó được đổi tên thành Đông Đô.

Năm 1408, quân Minh đánh bại Hồ Quý Ly ở thành Đông Đô, nên đổi tên thành thành Đông Quan. Đây là cái tên mang hàm ý kỳ thị thành Đông Đô lúc bấy giờ, ý chỉ Việt Nam chỉ là “cửa quan phía Đông” của Trung Hoa (theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm 1427, vua Lê (Lê Lợi) đánh bại quân Minh, về đóng đô ở Thăng Long hồi trước. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (Tập 2, Hà Nội 1993, tr 293) đã viết: “… đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt đóng đô ở Đông Kinh… Vì Thanh Hoá có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh”.

Đến đời Tây Sơn (1787 – 1802), vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân (Huế) nên gọi Thăng Long là Bắc Thành (theo Trần Huy Liệu, 1960).

Tượng đài Lý Thái Tổ

tên gọi của Hà Nội

4. Tên gọi khác của Hà Nội trong văn học

Ngoài những tên gọi chính thức của Hà Nội qua các thời kỳ, thủ đô nước Việt còn có nhiều tên gọi không chính thức khác trong văn chương.

Tràng An là một tên gọi khác của Hà Nội, bắt nguồn từ kinh đô Trường An của hai triều đại phong kiến lớn mạnh ở Trung Quốc là nhà Hán (206 TCN) và nhà Đường (618-907). Ca dao có câu: 

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.”

Tràng An trong câu thơ trên chính là để chỉ kinh đô Thăng Long.

Đầu thế kỷ XVI, Trạng Nguyễn Giản Thanh (người Bắc Ninh) có bài phú nôm “Phượng Thành xuân sắc phú” (Tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng) rất nổi tiếng. Bài phú tả cảnh mùa xuân ở kinh thành Thăng Long đời nhà Lê. Do đó, Hà Nội còn có tên gọi khác là Phụng Thành, hay Phượng Thành. 

Đôi khi, thơ văn còn dùng Long Biên để chỉ thành Thăng Long – Hà Nội thời bấy giờ. Long Biên vốn là nơi quan lại nhà Hán, Ngụy, Tấn đóng trị sở ở Giao Châu (tên nước Việt Nam vào thế kỷ III – VI). Sách “Quốc triều đăng khoa lục” có ghi lại câu thơ của vua Tự Đức viếng Tam nguyên Trần Bích San (1838-1877) như sau:

“Long Biên tài hướng Phượng thành hồi

Triệu đối do hi, vĩnh biệt thôi!”

Nghĩa là:

“Nhớ người vừa từ thành Long Biên về tới Phượng Thành.

Trẫm còn đang hy vọng triệu ngươi về triều bàn đối, bỗng vĩnh biệt ngay.”

Bấy giờ Trần Bích San đang nắm chức Tuần phủ Hà Nội, được vua triệu về kinh đô Huế để lãnh chức sứ thần qua Pháp, nhưng chưa kịp đi thì mất. Phượng thành để chỉ kinh đô Huế, do đó thành Long Biên trong câu thơ của vua Tự Đức chính là để chỉ Hà Nội.

Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử Hà Nội

Một số tên gọi khác của Hà Nội gồm:

    • Long Thành: Là tên Kinh thành Thăng Long viết tắt. Nhà thơ thời Tây Sơn Ngô Ngọc Du (quê Hải Dương) có viết bài “Long thành quang phục kỷ thực” (ghi chép về việc khôi phục Long Thành) sau chiến thắng quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789) tại Ngọc Hồi, Đống Đa của vua Quang Trung.
    • Hà Thành: Là viết tắt của thành phố Hà Nội, thường thấy trong thơ ca, văn học. Một số tác phẩm dùng từ Hà Thành có thể kể đến: bài “Hà Thành chính khí ca” của Nguyễn Văn Giai, bài “Hà Thành thất thủ, tổng vịnh” (khuyết danh), “Hà Thành hiểu vọng”…
    • Hoàng Diệu:  Trong các báo chí của Việt Nam thường sử dụng tên này  để chỉ Hà Nội vào sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
  • Kẻ Chợ: Thường sử dụng trong cách nói dân gian (Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ, Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ)
  • Thượng Kinh: Dùng để chỉ kinh đô Thăng Long (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Chẳng thanh lịch cũng thể người Thượng Kinh)
  • Kinh Kỳ: Để chỉ vùng đất có kinh đô đóng (Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến)
  • Kinh: Đôi khi chỉ dùng một từ “Kinh” để chỉ kinh đô. “Ăn Bắc, mặc Kinh”, Bắc chỉ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh), Kinh chỉ vùng Kinh Kỳ (Kinh đô Thăng Long)

Trên đây, Foodeli đã cùng bạn tìm hiểu tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ. Bạn còn biết tên gọi khác nào của Hà Nội không? Hãy cùng chia sẻ thêm với Foodeli nhé.

 

0
GIỎ HÀNG CỦA BẠN