5 làng nghề truyền thống Hà Nội lưu giữ tinh hoa Việt – Foodeli

5 làng nghề truyền thống Hà Nội lưu giữ tinh hoa Việt

Du lịch làng nghề là một trong những cách để tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Các làng nghề cũng đang có những hoạt động để thu hút khách du lịch. Vừa bảo tồn vừa phát triển kịp thời đại. Cùng Foodeli dạo quanh 5 làng nghề truyền thống Hà Nội nha!

Gợi ý 5 làng nghề truyền thống Hà Nội để du lịch cuối tuần

1. Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc hay còn gọi là làng lụa Hà Đông, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Vào thời phong kiến, sản phẩm lụa nơi đây được chọn may trang phục cho triều đình.

Ngôi làng nằm bên bờ sông Nhuệ nên vẫn giữ được những nét sinh hoạt truyền thống với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình.

Sản phẩm làng nghề vô cùng đa dạng từ lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Tất cả đều được làm từ chất liệu tơ tằm tự nhiên. Được dệt thủ công nên rất mềm mại, bền đẹp.

Trong những năm trở lại đây, làng nghề có nhiều hoạt động để thu hút khách du lịch. Không chỉ những người yêu lụa đến tham quan mà còn các bạn trẻ đến khám phá. Đường làng được trang trí đẹp. 

Có nhiều không gian để tham quan, tìm hiểu về quá trình dệt vải thủ công. Để có được tấm vải đẹp cần trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đến đây các bạn nhớ mua các sản phẩm lụa làm quà cho các bà các mẹ nhé! Chắc chắn người thân sẽ rất thích.

2. Làng gốm Bát Tràng

Làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km. Gốm Bát Tràng là thương hiệu gốm nổi tiếng có từ lâu đời, được khách hàng vô cùng yêu thích về cả mẫu mã và chất lượng.

Cứ dịp cuối tuần, rất đông bạn trẻ đến tham quan, khám phá làng gốm. Dạo quanh làng, bạn có thể bắt gặp những bức tường phơi than. Đây là một công đoạn quan trọng trong quá trình làm gốm. Vô tình cũng trở thành những nơi check in cực đẹp của khách du lịch.

Sản phẩm gốm giờ đây rất đa dạng từ hàng bình dân đến cao cấp Mẫu mã và màu sắc thời thượng, tiếp cận được khách hàng ở nhiều tầng lớp. Gốm Bát Tràng không chỉ là sản phẩm sử dụng trong đời sống mà còn là món quà văn hóa giá trị để làm quà tặng. Đặc biệt với bạn bè quốc tế.

Đến thăm làng gốm, ngoài quan sát các nghệ nhân làm gốm bạn cũng có thể tự tạo ra sản phẩm gốm cho riêng mình. Giá dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng. Chắc chắn là một hoạt động thú vị và ấn tượng cho chuyến đi của bạn.

3. Làng nón Chuông

Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội trên 30km, ven dòng sông Đáy thơ mộng. Trước kia khi nông nghiệp còn là nền kinh tế chính, việc tiêu thụ nón rất nhiều. Hiện nay, kinh tế chuyển dịch sang nhiều ngành như công nghiệp, dịch vụ, lượng nón sản xuất đã không còn nhiều như trước. Việc làm nón một phần cung cấp cho nhu cầu nông dân, một phần nhằm quảng bá văn hóa du lịch của địa phương. Vừa tạo ra kinh tế vừa bảo tồn những giá trị làng nghề truyền thống. 

Các sản phẩm nón chính vì vậy rất đa dạng. Từ nón lá đến nón quai thao, nón lụa nhiều màu thậm chí là sản phẩm nón trang trí nội thất. Phục vụ hướng đến các hoạt động du lịch, xuất khẩu. Nâng tầm giá trị và văn hóa cho sản phẩm thủ công của Việt Nam.

Ở làng có phiên chợ bán nón họp vào những ngày cuối tuần, du khách đến tham quan và mua các sản phẩm nón làm quà tặng hay trang trí nhà cửa rất đẹp. Giá dao động 50.000 – 70.000 đồng/ chiếc nón đẹp.

4. Làng Quạt Chàng Sơn

Làng nghề quạt Chàng Sơn thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội đã tồn tại hàng trăm năm trước.

Quạt giấy đã không còn xa lạ với thế hệ 8x, 9x. Một vật dụng gắn liền với tuổi thơ, với ông bà với những ngày hè nóng nực. Khi điện còn chưa phổ biến như giờ thì quạt giấy rất cần thiết. Lượng quạt sản xuất trước đây rất lớn. Trước sự đô thị hóa mạnh mẽ, tưởng chừng những chiếc quạt giấy sẽ mất đi nhưng nhờ sự khéo léo, nhạy bén mà làng nghề quạt Chàng Sơn vẫn phát triển cho đến ngày nay.

Đi khắp các ngõ ngách trong làng, bạn sẽ thấy khắp nơi những chiếc quạt giấy xòe nan hong khô. Như một cách mà con người nơi đây khẳng định giá trị văn hóa vững bền của những chiếc quạt giấy dù thời gian có thay đổi.

Các sản phẩm quạt đã được những người thợ thủ công nâng tầm. Không chỉ để làm mát mà còn trở thành những món quà tặng, món đồ trang trí có tính thẩm mỹ cao.

5. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá

Làng chuồn chuồn tre nằm tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là làng nghề thủ công mỹ nghệ tồn tại và phát triển cũng hơn 20 năm.

Trước kia khi chưa có nhiều đồ chơi chạy pin như bây giờ thì đồ chơi thủ công như chuồn chuồn tre được trẻ con rất yêu thích. Sau này để thích nghi và cạnh tranh với các đồ chơi điện tử thì người thợ thủ công cũng thay đổi để sản phẩm bắt mắt và thu hút hơn.

Đi vào làng, bạn có thể thấy những chú chuồn chuồn bằng tre với đủ màu sắc đang phơi mình dưới nắng. Thiết kế đa dạng các con vật hơn như chim, bướm… với đủ kiểu dáng, màu sắc bắt mắt, hình vẽ sinh động.

Giờ đây không chỉ còn là món đồ chơi cho trẻ con, sản phẩm của làng dần dần tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Phục vụ nhu cầu vui chơi, trang trí, vật phẩm quà tặng từ tầm trung đến cao cấp.

Đến thăm làng nghề, bạn cũng thử sức làm một chú chuồn chuồn của mình nha!

Trên đây Foodeli giới thiệu với bạn một số làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Vừa được tham quan tìm hiểu văn hóa vừa thử sức với nghề thủ công để biết sau mỗi sản phẩm là rất nhiều công sức và tâm tư của những người thợ. Cuối tuần lên kế hoạch ngay đi ngay nha!

 

0
GIỎ HÀNG CỦA BẠN