Không chỉ là một món ăn ngon, phở trong văn chương từ lâu đã được các tác giả ưu ái mô tả như thể một thức quà cho tâm hồn. Hãy cùng xem lại những ký ức sống động của những nhà văn – nhà báo về món ăn bình dị của Hà Nội này nhé.
1. Tùy bút “Phở” Hà Nội Nguyễn Tuân – từ điển chuyên ngành về phở
Nhà văn Nguyễn Tuân viết tùy bút “Phở” trong một chuyến đi công tác ở Phần Lan năm 1957. Dù được thưởng thức đủ món ngon vật lạ, ông vẫn không thôi nhớ về phở. Với Nguyễn Tuân, phở là “món quà cổ điển rất khí chất dân tộc của ta”.
Một hàng phở trên phố
Điểm độc đáo ở tùy bút “Phở” là những kiến thức rất thú vị mà tác giả phát hiện ra. Tỉ như cách tác giả dùng những từ rất lạ như quả thăn, mũ phở… Cách mà tác giả phân biệt giữa “xẩu” và “xương” trong nồi phở cũng thật đặc biệt. Những đầu xương chưa róc hết thịt trong nồi nước phở được gọi là “xẩu”. Nhâm nhi một bát xẩu cùng chén rượu thú vị hơn rất nhiều so với xương, vì có cái để… gặm khi chén chú chén anh. Người đọc cũng sẽ bất ngờ khi biết, tên của các hàng phở nổi tiếng thường chỉ có một chữ. Đó là những cái tên rất dân dã như Phở Phúc, Phở Tư, Phở Gù, Phở Sứt… Không ngoa khi nói, tùy bút “Phở” như một cuốn từ điển về “chuyên ngành” phở dành cho những người đam mê món ăn ẩm thực truyền thống này.
2. Phở trong “Quà Hà Nội – Hàng quà rong” – Món ngon Hà Nội của Thạch Lam
Nhắc đến phở trong văn chương, không thể bỏ qua Thạch Lam. Biệt tài của nhà văn Thạch Lam là “ăn bằng mắt”. Bất cứ món ăn nào qua đôi mắt ngắm nhìn của ông cũng trở nên thật hấp dẫn. Tác giả là một người sành ăn. Ông dành rất nhiều thời gian để thưởng thức những “món ngon Hà Nội”. Trong tập sách “Hà Nội băm sáu Phố phường”, Thạch Lam đã mô tả một bát phở ngon như sau: “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”.
Gánh phở Hà Nội xưa
Đối với Thạch Lam, phở không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chỉ ở Hà Nội, phở mới thật ngon. Phở là món ăn mà tầng lớp nào cũng có thể thưởng thức, từ bình dân cho tới giới thượng lưu. Người ta có thể ăn phở vào bất kỳ bữa nào trong ngày: bữa sáng, bữa trưa hay kể cả bữa tối.
3. “Phở bò – Món quà căn bản” của Vũ Bằng
Bài tùy bút “Phở bò – món quà căn bản” được tác giả Vũ Bằng viết trong cuốn “Miếng ngon Hà Nội” xuất bản năm 1960. Vũ Bằng cũng là một người con đất Bắc xa xứ nhớ về hương vị phở. Theo ông, người Việt Nam có thể không ăn mì, ăn xôi, ăn bánh bao bánh bè, nhưng chắc chắn ai cũng từng ăn phở. Những hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội hiện lên trong cuốn tùy bút: phở Sứt, phở Nhà thương Phủ Doãn, phở Đông Mỹ ở phố Mới, phở Cống Vọng kéo xe, phở Mũ Đỏ đằng sau miếu chợ Hôm, phở Tàu Bay ở ngã ba phố Hàm Long, phở Tráng phố Hàng Than…
Tùy bút “Miếng ngon Hà Nội” – Vũ Bằng
Vũ Bằng mô tả bát phở Tráng như một “bài thơ phở”: “Cứ nhìn bát phở không thôi cũng thú. Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau xanh thơm biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… Rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực thiên nhiên, không có chất gì là hóa học…”.
Từ lâu nay, phở đã được coi là món ăn đại diện cho cả nền ẩm thực Việt Nam. Không chỉ phục vụ người Việt, phở đã chu du khắp các vùng trên thế giới. Không chỉ là quảng bá một món ăn Việt Nam, đó còn là lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần của người Việt tới với bạn bè quốc tế. Bài viết tổng hợp lại những lần xuất hiện của món ăn dân tộc – phở trong văn chương Việt Nam. Hi vọng có thể đem đến cho độc giả những góc nhìn mới lạ về món ăn bình dị quen thuộc này.